Làm hàng giả, rất khó khởi tố hình sự (?!)

Giữa tháng 2.2012, cơ quan chức năng TPHCM kiểm tra, lập biên bản đối với Cty TNHH sản xuất thương mại Lam Sơn (đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TPHCM) về hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Tang vật thu được tại Cty này gồm 52 thùng khăn giấy ướt mang nhãn hiệu Baby Care thành phẩm, 1.248 hộp gói khăn giấy ướt hiệu Baby Care chưa thành phẩm, 1.600 vỏ bao bì hiệu Baby Care, 1.500 nắp nhựa bao bì và 70 thùng carton. 

Theo Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), hành vi sản xuất hàng giả trên hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự, khi giá trị hàng giả tương đương giá trị hàng thật từ 30 triệu đồng trở lên. Nhưng Cty Lam Sơn chỉ bị UBND TPHCM xử phạt hành chính 67,5 triệu đồng cho “hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”.

Gần đây, ngày 20.4.2015, Chi cục Quản lý thị trường và Công an TPHCM cũng phát hiện, lập biên bản Cty TNHH Twins Lotus VN (phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM) về hành vi có dấu hiệu sản xuất hàng hóa giả mạo. Tại đây, cơ quan chức năng tạm giữ 50 thùng khăn giấy ướt Baby Care, 38 thùng khăn giấy ướt Teen Care, 750 gói Baby Care bán thành phầm, 19kg tem nhãn hiệu Baby Care, 7kg tem nhãn hiệu Teen Care và 139 chai sữa tắm nhãn hiệu Lovely. 

Với số lượng hàng hóa có dấu hiệu giả mạo trên, tương tự như vụ Cty Lam Sơn, vụ Cty Twins Lotus hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi sản xuất hàng giả. Nhưng đến nay, việc xử lý sai phạm tại Cty này cũng… giậm chân tại chỗ.

Một cán bộ quản lý thị trường TPHCM cho biết: “Thú thật, việc khởi tố hình sự hành vi này làm hàng giả là rất khó. Luật quy định giá trị từ dưới 30 triệu đồng trở lên là có thể khởi tố, nhưng luật lại kèm theo “phải gây hậu quả nghiêm trọng”. Lý giải thế nào là “nghiêm trọng” và “không nghiêm trọng” lại rất mơ hồ. Chính vì sự mơ hồ này mà vô số các vụ làm hàng giả đều thoát hình sự, chỉ xử hành chính thôi”.

Nạn nhân bị thua thiệt đủ đường

Thị trường khăn ướt những ngày gần đây lại thêm chấn động khi Cty CP thương mại và dịch vụ Việt - Úc (AVN) - chủ sở hữu các nhãn hiệu khăn ướt Baby Care, Teen Care, là nạn nhân của các vụ làm giả hàng hóa từ nhiều năm nay - bị tin đồn nhập hàng Trung Quốc về bán, nhập nhèm mã vạch, không có nhà máy sản xuất tại VN. Chính sự vu khống ác ý này dẫn đến hàng loạt siêu thị như Metro, Big C, Coop Mart… đã tạm thời không phân phối các loại hàng hóa cho AVN một thời gian ngắn.

Theo ông Lê Quang Được - Tổng Giám đốc AVN: “Tôi khẳng định AVN sản xuất khăn giấy ướt hợp pháp, tiên phong tại VN trong suốt 12 năm qua. Chúng tôi đã gầy dựng các thương hiệu Baby Care, Teen Care trở nên quen thuộc với người tiêu dùng VN. Chính vì vậy, hàng chúng tôi đã bị làm giả từ Bắc vô Nam; đi đâu cũng thấy khăn ướt giả nhãn hiệu Baby Care bày bán khắp nơi… 

Một số vụ cơ quan chức năng bắt được thì như… bắt cóc bỏ đĩa, xử lý không tới đâu, hàng giả vẫn tràn lan. Trong lúc chúng tôi không biết đối phó ra sao trước vấn nạn hàng giả, thì người ta lại tung ra những tin đồn thất thiệt, nhằm hạ gục AVN. Đây là âm mưu ác ý, cạnh tranh bẩn đối với AVN”.

Ông Được cũng cho biết, có người đã sử dụng luôn hàng giả nhãn hiệu Baby Care, rồi tung lên các trang mạng điện tử, gán ghép là hàng của AVN, rồi kết tội AVN “lừa người tiêu dùng” (?). Việc này đang gây rất nhiều thiệt hại cho AVN khiến doanh thu giảm sút 60 - 70% trong những ngày vừa qua…

DHTI sẽ loại bỏ chữ thập đỏ khỏi bao bì sản phẩm

Ngày 20.7, báo Lao Động đã đăng bài “Sản xuất khăn ướt từ nhà vệ sinh, in logo chữ thập đỏ để lừa người tiêu dùng”. Sau bài báo, ngày 21.7.2015, ông Bùi Minh Tuấn - GĐ điều hành Cty TNHH thương mại và đầu tư Đông Hiệp (viết tắt DHTI, đóng tại Cụm công nghiệp Từ Liêm, Hà Nội) có văn bản gửi báo Lao Động. DHTI khẳng định: Mặt trước bao bì là một cụm thiết kế không tách rời về hình thức và ngữ nghĩa, được đọc đầy đủ: “Kiểm nghiệm và chứng nhận bởi Tổ chức SGS - Thụy Sĩ: Không hóa chất bảo quản: 9 dẫn xuất parabens, phenoxy Ethanol, Methyhsothiazonlinone (MI)”. Bài báo đã trích dẫn không đầy đủ, bỏ qua phần tiếng Anh, gây hiểu lầm cho người đọc v.v… 

Thực tế cho thấy, phần tiếng Anh ghi là “No Paraben”, trong khi phiên dịch sang tiếng Việt, DHTI lại ghi “không chất bảo quản“. Trong khi Paraben chỉ là một trong vô vàn chất bảo quản. Không có Parabens, MIT, Phenoxyethanol không có nghĩa là “không chất bảo quản”. Việc ghi cụm từ “không chất bảo quản” bằng tiếng Việt, còn “No Paraben” lại sử dụng tiếng Anh phải chăng là cố ý tạo niềm tin tuyệt đối với người tiêu dùng, trong khi thực tế không phải vậy?

Xung quanh chi tiết in logo chữ thập đỏ, DHTI cho rằng Cty sử dụng logo từ năm 2007, lúc đó luật cũng như các quy định chưa có, mãi đến tháng 10.2009, luật hoạt động của Hội Chữ thập Đỏ mới ra đời. Tháng 7.2013, Bộ VHTTDL mới cấp bản quyền biểu trưng chữ thập đỏ cho T.Ư Hội Chữ thập Đỏ VN. Tuy nhiên, vào ngày 1.8.2014, khi luật đã có hiệu lực, Cty này vẫn vi phạm bản quyền, giới thiệu mẫu mã mới với logo chữ thập đỏ. 

Gần 1 năm qua, hàng vạn sản phẩm Mamamy vẫn in bao bì vi phạm trên. Song, theo ông Bùi Minh Tuấn: “Với sự tôn trọng bản quyền cũng như ý thức về sai sót do thiếu nhận thức, DHTI đã chủ động liên hệ với T.Ư Hội Chữ thập Đỏ VN xin lỗi cho việc sử dụng biểu trưng này... đồng thời, cam kết các sản phẩm sản xuất sau ngày 1.9.2015 sẽ không còn sử dụng biểu trưng này nữa”.